V-League 2014: Bi hài chuyện cầu thủ tự “chuộc mình”

Khá bất ngờ, Than Quảng Ninh vọt lên thứ 2 trong bảng xếp hạng sau lượt đấu V-League diễn ra hôm qua (9.2). Bất ngờ hơn khi Than Quảng Ninh phải chịu những áp lực rất lớn trước đó: Từ chuyện cầu thủ ngán ngẩm vì chỉ được thưởng tết bằng gạo, chuyện giàn đèn không đủ chuẩn, cho đến một số trụ cột tính chuyện “đình công” ngay trước vòng 4 để phản đối cách làm việc của lãnh đạo…

Chỉ vì tin… lãnh đạo

Bật Hiếu (phải, ảnh) vốn là cầu thủ của Thanh Hóa, trước mùa 2014, muốn về Than Quảng Ninh để tiện gần nhà (gia đình Hiếu ở Hải Phòng). Than Quảng Ninh hứa chi 3 tỉ đồng cho bản hợp đồng 2 năm với Bật Hiếu. Nếu vậy, Bật Hiếu thừa sức chấp nhận đền bù cho Thanh Hóa (gần 2 tỉ), số còn lại hơn 1 tỉ, cùng mức lương 20 triệu đồng/tháng là khá... ổn. Tính là thế, Bật Hiếu thế chấp nhà vay ngân hàng gom đủ 2 tỉ đồng trả cho Thanh Hóa trước và chờ... 3 tỉ đồng từ Than Quảng Ninh. Nhưng, đùng một cái, lãnh đạo Than Quảng Ninh bắn ra 2 thông tin: 1- Nhiều khả năng các hợp đồng có thời hạn 2 năm sẽ bị chuyển thành... 1 năm (tất nhiên khoản chuyển nhượng sẽ chỉ còn 1/2). 2- Tiền thưởng và khoản tiền “lót tay” cũng bị chậm do tỉnh và đơn vị bảo trợ là Tập đoàn Than khoáng sản chưa giải ngân.


                                             www.afbsports.com
Chuyện các hợp đồng 2 năm chuyển xuống 1 năm cũng dễ hiểu khi mà Tập đoàn Than khoáng sản đã công khai đề nghị trả đội bóng về tỉnh. Thời điểm chuyển giao có thể là kết thúc mùa giải 2014, lúc ấy các hợp đồng sẽ phải xét lại.

Bật Hiếu và nhiều cầu thủ khác bỗng... sốc. Như Hiếu, tưởng “ăn ra” 1 tỉ thì nay bỗng “âm” vài trăm triệu.

Tin mới nhất, thông tin chuyển thời hạn từ 2 năm xuống 1 năm đang được xem xét. Thế nhưng, với cầu thủ, khác nào cầm đằng lưỡi.

Ai lo lợi quyền cho cầu thủ?

Cách đây 2-3 năm, khi Quang Hải từ Khánh Hòa về Navibank Sài Gòn đã nhận 1 cục... 9 tỉ đồng (thực ra là 4 tỉ đợt 1 và sau đó 1 tuần là 5 tỉ). Hải là một dạng may mắn khi được “trả luôn một thể” và không bị cắt phế cho “cò” và cho người nhận về thi đấu.

Vậy mà chuyện được hứa “một cục”, nhưng được nhận “nhỏ giọt” là cơm bữa và khi 2 bên có khúc mắc thì người chịu thiệt thường là cầu thủ vì “thấp cổ bé họng”. Điển hình là vụ ầm ĩ giữa Chí Công và B.Bình Dương. Theo hợp đồng, Công được nhận 9 tỉ đồng cho hợp đồng 3 năm, theo thỏa thuận, khoản này được trả làm 3 đợt, đợt cuối vào tháng 2.2012. Song, phía B.Bình Dương tìm mọi cách trả chậm, thậm chí còn tính “không trả” số tiền nợ. Công không chịu, thuê luật sư và vụ việc bằng một cách bí ẩn nào đó, sau thời gian cãi nhau như mổ bò, Chí Công vẫn... ở B.Bình Dương và đang thi đấu mùa 2014.

Nó như là chuyện nếu cố tình “bới” ra thì đâu cũng thấy... bốc mùi. Vụ các cầu thủ K.Kiên Giang ngậm ngùi coi như mất trắng mấy trăm triệu tiền lương và lót tay khi đội giải thể chưa nguôi, thì ở Bình Định, các cầu thủ đội này không còn “chốn dung thân” khi Bình Định không đủ điều kiện thi đấu. Điển hình trong số này là Đức Thiện. Trước ngày V-League khởi tranh, Thiện đã được VFF đồng ý ký hợp đồng với Đồng Nai. Nhưng, chưa kịp ký, Bình Định có công văn yêu cầu đình chỉ Đức Thiện thi đấu mùa 2014 vì cho rằng cầu thủ này chưa hoàn thành hợp đồng với mình. Thiện tâm sự: "Đội Bình Định không có kế hoạch sử dụng tôi, cũng không trả lương suốt 13 tháng (từ tháng 8.2012 đến 9.2013, thời gian này Thiện phải mưu sinh bằng nghề bán quần áo).

Theo Luật Lao động, qua 6 tháng không trả lương, người lao động có quyền đơn phương tìm nơi làm việc mới. Tôi và CLB hết hợp đồng sau năm 2013 mà không cần phải bồi hoàn, do CLB đơn phương không sử dụng tôi. Tôi cũng không bị án kỷ luật nào suốt thời gian qua. Đến khi đội giải thể không dự giải 2014, tôi ra Bình Định để xin giấy thanh lý hợp đồng không được”
. Bản chất của việc này là Bình Định dù giải thể, nhưng vẫn muốn có khoản “bồi thường” từ những cầu thủ như Đức Thiện.

Trong bóng đá chuyên nghiệp ở VN thời điểm này, khi đội cầm đằng chuôi, cầu thủ phải chạy theo. CLB có sự hậu thuẫn từ VFF nên tha hồ “hành” cầu thủ: Từ chuyện nợ lương, thưởng, cho tới việc lấy lý do cầu thủ vi phạm kỷ luật, yêu cầu VFF cấm thi đấu với cầu thủ ấy. Cầu thủ ở thế yếu, thuê luật sư thì cũng phải quen biết và tốn tiền, nên đa phần chọn cách “ngậm bồ hòn làm ngọt” để tiếp tục hy vọng.

Trước mùa giải 2014, lãnh đạo VPF đã mạnh miệng: “CLB nào chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với cầu thủ thì sẽ cấm CLB đó thi đấu”. Nói vậy, đâu có được vậy và cầu thủ chuyên nghiệp ở VN vẫn chỉ là những quân cờ mỏng manh ở V-League.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.