Porto sắp trở thành cựu vương: Cái gì cũng có giá của nó!

Sau 3 mùa giải liên tiếp thống trị Portuguese Liga, mùa giải này gần như chắc chắn Porto sẽ trở thành cựu vương khi mà họ đã để Benfica và Sporting Lisbon bỏ cách rất xa trên BXH. Đó có thể là cái giá mà BLĐ Porto phải trả cho việc liên tục “bán máu” của mình trong vài năm trở lại đây.

Nếu ai đó hỏi đặt ra câu hỏi đâu là CLB thành công nhất tại giải bóng đá Bồ Đào Nha kể từ khi thế kỷ 21 bắt đầu thì câu trả lời chỉ có thể là Porto. Bởi lẽ kể từ mùa giải 2000/2001 cho đến nay, Porto đã 9/13 lần đăng quang giải đấu này, một thành tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử bóng đá Bồ Đào Nha. Đó cũng là một phần lý do để giải thích rằng tại sao trong suốt bao nhiêu năm qua, Porto luôn nằm trong nhóm 8 đội hạt giống của Champions League, xếp trên cả nhiều đội bóng truyền thống và danh tiếng khác như AC Milan, Juventus hay Lyon. Thành công trên sân cỏ là vậy nhưng điều khiến BLĐ Porto cảm thấy đáng tự hào hơn cả là việc đội bóng luôn được biết đến như một hình mẫu lý tưởng của bóng đá hiện đại với nền tảng tài chính vững mạnh. Bí quyết để một CLB thành công dù không nằm trong Tốp 5 giải đấu hàng đầu Châu Âu đến từ chính sách phát triển hợp lý mà nguồn thu chủ yếu đến từ chuyển nhượng cầu thủ.
Otamendi sẽ là ngôi sao đầu tiên rời Dragao mùa hè tới khi trung vệ Argentina đã đồng ý chuyển đến Valencia.

Chúng ta có thể làm một phép so sánh thế này để thấy dễ hiểu: nếu trước kia nước Mỹ sử dụng khu vực Mỹ latinh rộng lớn để làm sân sau của mình, nhằm khai thác triệt để nguồn lợi về nhiều mặt mà khu vực này đem lại thì ngày nay Porto cũng được ví như là một nước Mỹ thứ 2 nhưng... trên phương diện làm bóng đá. Và “nguồn tài nguyên” mà Porto khai thác chính là cầu thủ thuộc các quốc gia có truyền thống bóng đá như Brazil, Argentina, Mexico, Uruguay, Chile…Họ sở hữu một mạng lưới săn lùng tài năng trẻ hàng đầu thế giới, không thua kém gì so với những chuyên gia trong lĩnh vực này như Barcelona và Arsenal. Hơn thế nữa, Porto còn có lợi thế so với các đội bóng ở Premier League, Serie A, Bundesliga hay La Liga vì việc xin cấp giấy phép lao động cho cầu thủ khu vực ngoài EU ở Bồ Đào Nha thoải mái hơn nhiều. Tận dụng cơ hội đó, Porto đã biến mình thành “trạm trung chuyển” cầu thủ triển vọng hàng đầu Châu Âu, từ đó thu về những nguồn lợi nhuận siêu cấp từ TTCN.

Chỉ mấy vài triệu euro mua cầu thủ và công sức đào tạo sau 2-3 mùa bóng, Porto có thể thu về gấp 10 lần khoản tiền bỏ ra khi bán lại những cầu thủ ấy cho các ông lớn Châu Âu. Trường hợp của Deco, Carvalho, Maniche, Anderson, Pepe, Bosingwa, L. Lopez, B.Alves…trong quá khứ và hiện tại là Falcao, Guarin, Hulk, James Rodriguez, J.Moutinho là những ví dụ điển hình nhất. Thật không sai khi nhiều người ví Porto là “cỗ máy in tiền” ở Châu Âu. Ngay cả một vài CLB thường xuyên bán đi ngôi sao như Valencia, Arsenal, cũng phải ngạc nhiên với những gì Porto làm được.

Tuy nhiên cái gì cũng có tính 2 mặt của nó. Lợi nhuận thu về từ việc bán đi những ngôi sao trong đội hình có thể khiến doanh thu tài chính của CLB tăng nhanh chóng tuy nhiên nó cũng khiến chất lượng đội hình của Porto dần xuống cấp. Bản chất “con buôn” cũng như việc quá tự phụ vào khả năng quay vòng cầu thủ khiến cho Porto đang phải trả giá nghiêm trọng. Mùa giải này, Porto sớm bị loại ở vòng bảng Champions League dù họ nằm ở bảng đấu không quá khắc nhiệt với 3 cái tên khác là: A.Madrid, Zenit và Austria Wien. Ngoài trừ A.Madrid thể hiện sự vượt trội hơn hẳn thì Zenit được xem là đối thủ cạnh tranh số 1 của Porto cho chiếc vé còn lại của bảng G. Tuy nhiên Porto đã không thể đánh bại được Zenit trong cả 2 lượt trận (hòa 1, thua 1) và đành ngậm ngùi rời đấu trường danh giá nhất Châu Âu để xuống chơi tại Europa League. Điều đáng nói ở đây chính là Hulk, “món hàng” giúp Porto thu về 60 triệu euro khi đẩy anh sang Zenit cũng chính là người đóng góp 1 đường chuyền thành bàn ở lượt đi cho đội bóng nước Nga và 1 bàn thắng trong lượt về. Thậm chí nếu Hulk may mắn hơn Porto có thể đã thu cả 2 trận nếu chân sút Brazil không sút trượt 1 quả penalty.

Mặt khác, cứ cho rằng Champions League không phải ưu tiên hàng đầu của Porto và việc đội bóng luôn đảm bảo được nguồn doanh thu (trên 20 triệu bảng) khi được tham dự vòng bảng đã là một thành công thì thành tích tại đấu trường quốc nội mùa giải này thực sự là không thể chấp nhận được. Sau 24 vòng đấu Porto chỉ thắng 15 trận, hòa 4 và thua tới 5 trận, giành được 49 điểm. Họ đã để cho 2 đội bóng đầu bảng là Benfica và Sporting Lisbon bỏ xa lần lượt 12 điểm và 5 điểm. Gần như chắc chắn Porto sẽ trở thành cựu vương khi mà mùa giải chỉ còn 6 vòng đấu nữa là kết thúc. Việc HLV trẻ Paulo Fonseca bị sa thải là một phần tất yếu, nhưng xét cho cùng ông cũng không phải là người chịu trách nhiệm hoàn toàn với thành tích không tốt mùa này của Porto. Trên phương diện nào đó chiến lược gia 41 tuổi này cũng chỉ là nạn nhân từ chính sách “bán máu” của BLĐ đội bóng.

So với Porto thì Benfica có sự ổn định về nhân sự hơn trong mùa giải này và họ xứng đáng đăng quang Portuguese Liga 2013/2014. Còn với Porto, không biết rằng sau thất bại này liệu BLĐ đội bóng có tỉnh ngộ ? Chỉ biết rằng Otamendi sẽ là ngôi sao đầu tiên rời Dragao mùa hè tới khi trung vệ Argentina đã đồng ý chuyển đến Valencia theo bản hợp đồng trị giá 12 triệu euro. Tiếp theo Otamendi, liệu ai trong số những Mangala, Alex Sandro, Fernando, Steven Defour , Jackson Martinez sẽ nối tiếp ra đi trong mùa hè này ?

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.