Lưu Thanh Châu: Vẫn đứng vững vàng sau tai nạn kinh hoàng

Thuở còn tung hoành trên sân cỏ, Lưu Thanh Châu là trụ cột của đội bóng Công An Hà Nội. Nhưng dường như may mắn ở ĐTQG không đến với cựu hậu vệ phải gốc Thanh Hóa tài năng này. Ngay cả khi chia tay bóng đá, trở thành một cảnh sát giao thông, Châu cũng khá long đong khi chuyển qua nhiều đội công tác khác nhau.


OAN NGHIỆT CHIẾC MÁY CẮT CỎ VÀ THƯƠNG TẬT 28%
Trong một lần “biệt phái” đi tăng cường ấy, Lưu Thanh Châu đã gặp một tai nạn kinh hoàng. “Lúc đó, tôi đang ngồi lập biên bản một vụ vi phạm luật giao thông. Bỗng nhiên, tôi thấy có bóng người lao vào. Linh tính mách bảo có điều chẳng lành, tôi đưa tay lên để phòng vệ một cái gì đó.

Chỉ thấy mát lạnh, sau đó tôi chạy ra đường thì thấy máu của mình phun ra từ cánh tay nhiều quá. Hóa ra, người đàn ông bị phạt vi phạm luật giao thông đã dùng máy cắt cỏ tấn công tôi. Vòng bánh răng đã cưa nát bàn tay tôi. Lưỡi dao cắt cỏ ngọt quá...”, Lưu Thanh Châu nhớ lại vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra với mình vào đúng ngày thành lập Đoàn, 26/3/2013. 

Cái buổi chiều nghiệt ngã đó, khoảng 15h chiều, tổ tuần tra (Đội cảnh sát giao thông quốc lộ 21B), Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an Hà Nội, do thượng úy Lưu Thanh Châu là tổ trưởng, làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông trên quốc lộ 21B đoạn thuộc địa phận xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, phát hiện một đối tượng điều khiển xe máy chạy quá tốc độ đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Khi tổ công tác thông báo lỗi vi phạm và mức nộp phạt 750.000 đồng, giữ giấy tờ xe trong 1 tháng, đối tượng nài nỉ xin xỏ nhưng không được. 

Khi các chiến sĩ cảnh sát giao thông đưa xe máy vi phạm lên thùng xe ô tô chuyên dụng, đối tượng chửi bới om xòm, lăng mạ những người thi hành công vụ rồi cầm máy cắt cỏ chở theo trên xe máy định kéo dây khởi động máy thì một cảnh sát phát hiện, thu giữ chiếc máy cắt cỏ. 

Khi tổ công tác tiếp tục làm nhiệm vụ, bất ngờ đối tượng lén lút đến lấy lại chiếc máy cắt cỏ đeo vào người, khởi động máy rồi lao đến chĩa thẳng lưỡi dao đang quay tít nhằm vào mặt thượng úy Lưu Thanh Châu. 

Rất may Châu đã được kịp thời đưa vào Viện 103 cấp cứu và điều trị. Còn đối tượng Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1967, trú tại thôn Áng Phao, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội) bị bắt, sau đó bị Toà án nhân dân thành phố Hà Nội tuyệt phạt 18 năm tù về tội “giết người” trong phiên xét xử ngày 13/11/2013. 

Một buổi chiều muộn, khi ngồi với nhau, Châu chìa cho tôi xem ngón tay cái giờ đã không còn tác dụng, như cục thịt thừa không có cảm giác đau đớn. Châu lắc lắc ngón tay thật mạnh, nhưng anh bảo không có cảm giác gì cả, coi như để đó cho đủ 5 ngón thôi. Nhắc đến đối tượng đã khiến anh bị thương nặng, Châu không oán hận mà dường như còn thông cảm, rằng “hắn đang trong tình trạng vỡ nợ, nên hành động mất kiềm chế, không tỉnh táo”. 

Giờ đây, dù đã thẩm mỹ, là sẹo, nâng mũi nhưng trên mặt chàng thượng úy cảnh sát giao thông vẫn còn 2 vết sẹo khá dài, tương đối rõ ở má trái và mũi. Vết sẹo ấy, không chỉ để lại sự mất thẩm mỹ trên khuôn mặt xương xương, rắn rỏi và có phần hơi ngô nghê, hồn nhiên mà nó còn khiến Châu bị đau mỗi khi trái gió trở trời, bởi mức thương tật lên tới 28%... Châu chấp nhận điều ấy, như số phận con người phải gánh chịu, như một tai nạn nghề nghiệp mà đã trót đam mê, đeo đuổi thì phải chấp nhận. Vậy thôi (!).

LONG ĐONG ĐỜI CẦU THỦ
Trưởng thành từ lò đào tạo Thanh Hóa, Lưu Thanh Châu cũng như nhiều cầu thủ xứ Thanh khác như Quang Hà, Trung Phong, Hồng Minh, Như Thuần...  tìm đến miền đất hứa để lập thân, lập nghiệp. Chọn bến đỗ là Công An Hà Nội, rồi được chuyển qua đội Hàng Không Việt Nam, LG.HN.ACB, những tưởng có dạo cầu thủ chạy cánh đa năng này đã về với Bình Dương. Nhưng rồi anh không ra khỏi ngành, và chỉ biệt phái đến 2 đội bóng sau khi Công An Hà Nội giải thể rồi quay trở lại ngành.
Nhắc lại chuyện suýt vào Bình Dương đầu quân khi có thông tin báo chí đưa rằng bố anh (cựu cầu thủ, cựu HLV Lưu Liên Thông) là người đại diện, chi phối khá lớn trong sự nghiệp “quần đùi áo số” của anh, Châu khẳng định rằng, hầu như mọi việc quan trọng liên quan đến cuộc đời đều do anh quyết định, và anh chấp nhận. 

Cũng như khi sau này trở thành cảnh sát giao thông, Lưu Thanh Châu cũng được xem là khá long đong khi chuyển qua nhiều đội công tác khác nhau. Và chính trong một lần được tăng cường xuống huyện Thanh Oai ấy, anh đã gặp tai nạn. Giờ thì anh đã trở về gần nhà hơn, ở Đội cảnh sát giao thông số 10, cùng với cựu tiền đạo Nguyễn Tuấn Thành và một số cựu cầu thủ khác ngày xưa khoác áo Công an Hà Nội...

Đời cầu thủ, Châu để lại tiếng vang không ít, nhưng đôi khi lại là những câu chuyện buồn, ngay cả khi lên Tuyển. Bản tính thẳng thắn, bộc trực đôi khi nóng nảy không cần thiết khiến cầu thủ gốc Thanh Hóa này nhiều lần dính án phạt. 

Năm 2001, khi phản ứng với hình phạt hít đất của HLV đội U.23 QG Silva Dido, Lưu Thanh Châu cùng “thần đồng” Phạm Văn Quyến đã bị loại khỏi danh sách dự SEA Games trên đất Malaysia sau đó. 

Năm 2003, trong màu áo CLB Hàng không Việt Nam, Lưu Thanh Châu lại gây sự chú ý của dư luận khi là “đầu trò” trong vụ hành hung trọng tài Từ Minh Đăng trên sân Bình Định. Kết cục là anh bị cấm thi đấu 3 trận theo quyết định của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. 

Nhắc lại những “vết nhơ” này, Châu chỉ... cười trừ. Ngay cả khi là đội trưởng đội bóng đá Cảnh Sát Nhân Dân Việt Nam tham dự giải bóng đá Cảnh sát các nước ASEAN 2012, anh cũng không có được cái kết đẹp, vì đội nhà không giành được danh hiệu cao nhất.  

Với Châu, bóng đá chuyên nghiệp đã khép lại, nó dẫu sao cũng là một quãng đời ý nghĩa với anh, là bệ phóng cho anh được theo nghiệp cảnh sát giao thông như hiện nay, một công việc mà anh tự nhận là rất yêu thích. Ngay cả sau sự cố hãi hùng hồi năm 2013, Lưu Thanh Châu cũng không hề cảm thấy sợ hãi khi thực thi công việc, bởi với anh, làm đúng bổn phận, chức trách là yên tâm về với vợ con, gia đình. 

Bây giờ, có điều kiện ở gần nhà hơn, sau những ca trực, Lưu Thanh Châu thường về nhà và ít khi ra đường trở lại, trừ những trường hợp đặc biệt. Không phải vì vết sẹo trên mặt còn hằn rõ mà Châu ngại ra đường khi đã về với tổ ấm của mình. Chỉ rất ít trường hợp, rất ít người gọi được anh rời khỏi tổ ấm, khi anh đã trở về. 

Đơn giản bởi xưa nay, Châu vẫn dành thời gian cho gia đình nhiều, như để bù đắp quãng thời gian xa nhà liên miên khi còn là cầu thủ, đặc biệt là với hai “của để dành” có đủ cả nếp lẫn tẻ. Hạnh phúc giản dị bên gia đình sau những ca trực, với Châu, thế là cảm thấy thỏa mãn rồi.

THÔNG TIN THÊM:

Tháng 8/2003, những tưởng Lưu Thanh Châu sẽ dứt áo ra khỏi ngành, khi nhiều thông tin cho rằng, anh sẽ về đội bóng vừa thăng hạng Bình Dương với nhiều ưu đãi hậu hĩnh: Mức lương 15 triệu đồng/tháng, hỗ trợ 600 triệu đồng thiệt thòi khi rời khỏi ngành và được cấp một miếng đất. Nhưng cuối cùng, Lưu Thanh Châu đã quyết định thi đấu 1 mùa cho LG.HN.ACB theo dạng “biệt phái”, cũng với mức lương cao nhất so với cầu thủ nội (12 triệu đồng/tháng) trước khi giải nghệ và quay lại ngành, trở thành cảnh sát giao thông như nhiều đồng đội khác.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.