Tây Ban Nha – Bùng cháy hoặc lụi tàn

 Nhận 5 bàn thua chỉ sau một trận đấu, hệ thống siêu sao dày đặc chìm nghỉm giữa màn mưa, “cơn lốc nhân tạo” của người Hà Lan đã biến nhà đương kim vô địch trở thành tàn tro của chính họ. Câu hỏi bây giờ là, đội tuyển Tây Ban Nha sẽ sống dậy mạnh mẽ sau đó, hay sẽ trở thành một bản sao của tuyển Pháp tại World Cup 2002.

Thảm bại tột cùng

Tây Ban Nha bước vào trận đấu với tư thế cửa trên, là người đang giữ cup, và có cú hattrick danh hiệu lớn thống trị thế giới 6 năm liền. Họ mang đến Brazil hai đội hình chất lượng, trong đó ít nhất một đội hình thuộc loại đắt giá nhất hành tinh. Đối thủ của họ, Hà Lan, chỉ sở hữu ba ngôi sao tấn công đều đã ở độ tuổi 30 là Van Persie, Robben, Sneijder, ngoài ra là những cái tên trẻ trung, lạ lẫm, hoặc chưa bao giờ được coi là cầu thủ hàng đầu. Thế nhưng, không những chẳng cho thấy sự vượt trội, Tây Ban Nha còn thua theo cách tồi tệ nhất, nằm ngoài sự tưởng tượng của nhiều người.
Những điểm nhấn mà Tây Ban Nha có được gói gọn trong pha ăn vạ tinh quái của Costa, pha chơi xấu của chính anh, sự vô duyên của Silva, Torres, và một hàng phòng ngự hớ hênh, bất cẩn. Dù đã được lợi từ một sai lầm của trọng tài, Tây Ban Nha vẫn thua đậm, số bàn thua trong trận đấu này đã hơn cả tổng số bàn thua của họ suốt kỳ World Cup trước (3 bàn). Những tiền vệ xuất chúng được thay ra thay vào đều gần như biến mất tính từ thời điểm họ bị dẫn trước. Hàng phòng ngự cũng biến mất luôn trước những pha phát bóng, chạy chỗ, solo của người Hà Lan. Thủ thành đội trưởng được phong Thánh như Iker thì bắt một trong những trận dở nhất sự nghiệp.
Một kết cục ê chề như thế trước một đối thủ được đánh giá thấp hơn, thua xa về chiều sâu lẫn chất lượng đội hình, nó khiến ngày mở màn của Tây Ban Nha hóa thành ác mộng. Cơn ác mộng có lẽ còn kinh khủng hơn nếu đối thủ không phung phí cơ hội ở những phút cuối cùng.
Nhìn vào dàn cầu thủ danh tiếng ngồi lặng im ngoài đường pitch, nhìn vào những cô gái mặc áo đỏ cam lũ lượt ra về, nhìn vào ánh mắt thất thần của Xavi, đủ để hiểu người Tây Ban Nha cảm thấy thế nào. Đó là một cú shock, giống như những gì mà ở cấp câu lạc bộ, Barca hay Bayern từng trải qua trong cái mác của một nhà vô địch.
Bùng cháy hoặc lụi tàn
Thất bại của Tây Ban Nha rất giống cách Barca bị Bayern đè bẹp và chính Bayern một năm sau bị Real nghiền nát. Thật ra, cái gì cũng có nguyên nhân, không tự nhiên mà Tây Ban Nha lộ ra nhiều điểm yếu cùng một lúc như vậy. Bỏ qua vấn đề tư tưởng, sự khao khát, thì lối chơi của họ đã bị nghi ngờ từ lâu nay rồi. Nòng cốt vận hành của Tây Ban Nha vẫn chủ yếu dựa trên tính linh động, kỹ thuật cao của những người như Xavi, Iniesta, David Silva, họ đá thoáng mắt hơn khi cố gắng loại bỏ bớt những đường chuyền vô hại kiểu tikitaka ngày trước. Tây Ban Nha đang đá khá giống Barca của mùa này, nhưng thay vì có Messi, họ chỉ có những tiền đạo cắm chơi đầy lạc lõng là Costa và Torres.
Mùa bóng vừa qua đánh dấu thành công của Real và Atletico Madrid, nhưng điều rõ ràng là ở tuyển Tây Ban Nha, từ sự ưu tiên sử dụng nhân sự cho tới phong cách đá, tất cả vẫn mang bóng dáng của Barca. Thảm họa dành cho đội bóng xứ Catalan và sau đó là Bayern đã chỉ ra rằng, đó là thứ bóng đá khi thăng hoa khủng khiếp bao nhiêu, thì lúc trục trặc sẽ tỏ ra yếu đuối, dễ sụp đổ bấy nhiêu. Như một tòa lâu đài càng nguy nga đồ sộ, khi bị phá vỡ cấu trúc sẽ sập xuống nhanh hơn, thảm hại hơn nhiều lần. Nhất là khi người ta đã quá quen ngồi trên cao với nó, chẳng hề có những phương án dự phòng, hay thói quen đối mặt với những tình thế tồi tệ.
Đây là thời điểm triết lý phòng ngự khoa học cũng như tấn công thần tốc đang lên ngôi, tính hiệu quả đang lấn át sự phù phiếm, bàn thắng đang chứng minh giá trị so với tỷ lệ cầm bóng. Kỳ thực, khó có thể nói Hà Lan hoàn hảo, không có sơ hở, hay quá mạnh so với Tây Ban Nha. Chỉ là những chú Bò tót đã quá quen đâm húc mà không quen phòng ngự, quen kiểm soát mà không quen chống đỡ, tâm trí của họ có lẽ vẫn đang chỉ sẵn sàng cho một màn trình diễn, hơn là một cuộc chiến sinh tử.
Trong phần đầu trận đấu, đáng ra Tây ban Nha đã có thể kết liễu đối thủ với một vài pha đánh vỗ mặt cực hay, chỉ tiếc dứt điểm kém sắc sảo. Khi ấy Hà Lan đã có nhiều lúc lúng túng, bị động. Nhưng vào hiệp hai, khi mà Cơn lốc màu da cam nổi lên mãnh liệt, khát vọng được thể hiện trong từng pha tranh chấp, từng sải chân chạy của Van Persie và các đồng đội, thì dường như người Tây Ban Nha bắt đầu bị choáng váng, họ đánh mất hoàn toàn sự tự chủ. Hàng thủ Hà Lan tập trung hơn và hàng công của họ sáng tạo hơn, bùng nổ hơn, khiến một Tây Ban Nha đang đá đều đều không thể xoay chuyển kịp.
Con đường phía trước với Tây Ban Nha rất khó nói. Kịch bản đáng sợ nhất đó là khi Hà Lan thắng Úc còn họ không thể đánh bại Chile, khi ấy chỉ cần Hà Lan cùng Chile thi đấu nhàn nhã ở lượt cuối là dắt tay nhau vào vòng kế tiếp. Còn nếu Tây Ban Nha kịp thời lấy lại sự nhiệt huyết và giải quyết được những chướng ngại còn lại, họ cũng khó lấy được ngôi đầu. Nếu thế, khả năng phải gặp Brazil sẽ là rất lớn. Cơn ác mộng mà các vũ công Samba dành cho Tây Ban Nha năm ngoái vẫn còn nóng hổi, trận thua tan nát 0-3 ấy đã từng là hồi chuông cảnh báo cho sự lung lay của đế chế mà Del Bosque bao năm gây dựng.
Pháp từng cúi mặt rời World Cup 2002 ngay ở vòng bảng dù đang là đương kim vô địch. Tây Ban Nha hiện nay có quá nhiều ngôi sao, quá giàu tiềm lực để có thể đi vào vết xe đổ đó, nhưng ai mà biết trước điều gì. Có ai đoán nổi rằng Hà Lan sẽ thắng 5-1 đâu, đó là bóng đá. Để bảo vệ ngôi vương hay ít nhất là vào sâu hơn nữa, Tây Ban Nha sẽ thực sự phải bung sức, phải giành giật lấy từng chiến thắng. Họ phải bùng cháy ngay lập tức từ trong đám tro tàn Cơn lốc Hà Lan cuốn qua để lại, nếu không sẽ chẳng thể nào kịp được.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.