Trước hết là nhân cách


Giáo dục nhân cách song song với trang bị kiến thức chưa bao giờ là một vấn đề cũ của các hệ thống giáo dục. Nhưng với việc các cầu thủ chuyên nghiệp nước ta liên tục "vướng vòng lao lý" theo cách "bán đứng" đội bóng, có lẽ cần soi lại phương thức đào tạo con người trong các trường dạy đá bóng, bằng những tấm gương của các nền bóng đá phát triển.



Giáo dục kỹ năng sống rất được chú trọng trong hệ thống đào tạo trẻ của.

Từ kiến thức và nhân cách

Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA) là tổ chức của 214 CLB hàng đầu Lục địa già - với thành viên nòng cốt là những "siêu quyền lực" của bóng đá thế giới, những CLB đã, đang và sẽ sản sinh ra những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.

Người ta có thể tự hỏi rằng trong một bản báo cáo dày 164 trang mà tổ chức này thực hiện về công tác đào tạo trẻ, thì những thứ ghê gớm như thế nào sẽ xuất hiện? Những sơ đồ chiến thuật đột phá, những trang thiết bị tối tân, hay là những chế độ dinh dưỡng tinh vi? Thật ra, việc đào tạo ra một cầu thủ giỏi kỹ thuật đá bóng chỉ chiếm không tới một nửa bản báo cáo. Phần còn lại được dành cho hai thứ: động lực chiến thắng và giáo dục con người.

Khi đội tuyển Đức đăng quang tại World Cup 2014, nhiều người biết rằng đó là kết quả của một hệ thống đào tạo cầu thủ quy mô và chất lượng hàng đầu thế giới. Nhưng, sự khác biệt lớn nhất giữa hệ thống đào tạo của nước Đức và phần còn lại của thế giới là gì? Hẳn bạn sẽ ngạc nhiên: Đó là việc các CLB Đức cho cầu thủ học trong nhà trường và ở cùng gia đình nhiều hơn bất kỳ nước nào tại châu Âu.

Ký túc xá của Học viện Bayern Munich, nòng cốt của đội tuyển vô địch thế giới, nơi đã sản sinh ra những Svaixtai-giơ (Schweinsteiger), Lam (Lahm) hay Muy-lơ (Thomas Mueller), không phải là một "trại huấn luyện" - nơi các cầu thủ ăn ở tập trung và khổ luyện để trở thành những siêu nhân từ tấm bé. Ký túc xá chỉ có đúng 13 phòng, mỗi phòng một giường. Các em được khuyến khích ở với gia đình lâu nhất có thể, chừng nào mà vấn đề di chuyển đến sân tập không quá khó khăn. Từ lâu, các nhà khoa học đã nhận thức được rằng, "kỹ năng sống" là thứ được đào tạo tốt nhất trong môi trường gia đình, qua sự giáo dục của cha mẹ - và đó là thứ mà các học viện tại Đức hướng tới. Ngay cả trong các trận đấu của lứa trẻ, họ cũng tạo điều kiện tối đa để các phụ huynh có mặt.

Strai-xơ (Christian Streich), một trong những HLV trẻ hàng đầu nước Đức, hiện đang làm việc tại Phrai-buốc (Freiburg), đội bóng đã vô địch giải trẻ nước Đức bốn lần trong thập kỷ qua. Khi ông đặt chân tới Anh và trình bày với các đồng nghiệp tại đây về giáo trình của Freiburg, người ta đã nói vào mặt Streich: "Ông là đồ lừa đảo! Không ai có thể làm như thế!". Lý do? Các cầu thủ tại học viện ở Đức, cho đến năm 19 tuổi, vẫn phải đến trường 34 tiếng/tuần (tương đương với 8 tiếng/ngày). Tức là họ gần như không "hy sinh" một phút nào cho bóng đá. "Ông không thể nào tập luyện khi cho chúng đến trường 34 tiếng/tuần" - các đồng nghiệp tại Anh nói. Vậy mà cuối cùng thì nước Anh trở nên nổi tiếng vì một hệ thống đào tạo trẻ thất bại dù tiêu tốn rất nhiều tiền, còn Đức thì ngược lại.

Không ăn ở tập trung, vẫn duy trì việc đi học bình thường tại trường công, cái mà người Đức hướng tới là việc giáo dục nên những con người bình thường trước khi tạo ra cầu thủ. "Hầu hết các cầu thủ trong học viện của tôi sẽ không thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp" - Christian Streich nhìn thẳng vào thực tế - "80% số chúng sẽ thất bại. Chúng tôi phải lo cho chúng. Chúng còn phải ra đời để kiếm việc làm".

Rất khó tin là một học viện như Freiburg tiêu đến 3,5 triệu euro/năm (tương đương hơn 100 tỷ đồng và chiếm đến 10% doanh thu của đội bóng). Họ là một doanh nghiệp, và đầu tư rất lớn để tạo ra cầu thủ hòng kiếm lời, nhưng không phải bằng mọi giá. Các cầu thủ của họ vẫn sẽ phải được giáo dục toàn diện về kiến thức và nhân cách trước tiên.

Đến kỹ năng của các ngôi sao

Trong bản báo cáo của ECA kể trên, lộ trình của một cầu thủ tại Bayern Munich được vạch ra rất rõ ràng, chia làm ba giai đoạn, từ 5 đến 11 tuổi, từ 12 đến 15 tuổi và từ 16 đến 19 tuổi. Cuối giai đoạn thứ nhất, họ ghi chú: "Giáo dục là quan trọng nhất, không cần quan tâm đến kết quả (trên sân cỏ)". Đặc biệt, trong giai đoạn này, cầu thủ hoàn toàn không chơi một giải đấu nào, tất cả chỉ là chơi bóng vui vẻ. Cuối giai đoạn thứ hai: "Giáo dục vẫn là mục tiêu chính nhưng cầu thủ bắt đầu học được tâm lý thắng-thua". Cuối giai đoạn thứ ba: "Giáo dục vẫn quan trọng, nhưng tỷ số được tập trung hơn". "Giáo dục" ở đây được hiểu là kiến thức phổ thông và kỹ năng xã hội.

Tại Ác-xơ-nan (Arsenal), một CLB hiếm hoi trở thành điển hình về đào tạo trẻ trên thế giới trong 20 năm qua, giáo dục cũng là một mục tiêu được ghi rất rõ trong báo cáo của ECA. Đặc biệt, ở đây, cầu thủ còn được dạy dỗ về các kỹ năng chuyên biệt của một ngôi sao, như là đối thoại với truyền thông hay là quản lý tài chính cá nhân.

Trong số 214 thành viên của ECA, thì có đến hơn một nửa có chuyên gia tâm lý, hơn một nửa có nhân viên tư vấn xã hội phụ trách thường trực.

Việc đào tạo ra những cá nhân có khả năng tự chủ trước cuộc sống đã được nâng lên tầm triết lý. Ngay cả trong đào tạo bóng đá, người Đức cũng muốn cầu thủ có thể tự lập trong tương lai. Tại Bayern Munich, cầu thủ không được tập theo một phong cách chiến thuật nào từ bé - điều người ta có thể thấy ở Barcelona (nơi cầu thủ thi đấu với sơ đồ 4-3-3 từ khi còn "thò lò mũi xanh") hay bất kỳ đâu trên thế giới. Họ được dạy những sơ đồ chiến thuật đơn giản, rồi được phép chơi ở bất kỳ vị trí nào trên sân. Đó cũng là lý do khiến cầu thủ Đức đang trở nên đa năng hơn, được xuất khẩu tới các CLB lớn ngày một nhiều hơn.

Khán giả Việt Nam có quyền tự hỏi rằng, việc đào tạo ra những con người đích thực của xã hội như thế đã bao giờ thật sự được quan tâm trong hệ thống đào tạo cầu thủ nước nhà. Hay xa hơn, là cả nền giáo dục?

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.