Bóng đá Việt Nam và bài học tiên trách kỷ

Tiên trách kỷ hậu trách nhân là câu dạy của người xưa mà có lẽ những người phương Đông không ai là không biết. Tuy nhiên, biết là một chuyện, tiếp thu nó như thế nào lại là một câu chuyện khác. Bóng đá Việt Nam vẫn đang trong cơn loay hoay tìm lối đi và nhiều nguyên nhân được nêu ra nhưng những người có liên quan, có thẩm quyền có bao giờ trách mình trước rồi trách người khác sau ?


Chúng ta là một quốc gia yêu thể thao dù trong thời chiến hay thời bình và bóng đá xứng đáng vị thế của môn thể thao vua tại đất nước hình chữ S này. Chính từ tình yêu đó, chúng ta không tiếc tiền tiếc sức đầu tư cho bóng đá chỉ mong một ngày nào đó chúng ta bằng anh bằng em Châu Á và thế giới. Nhưng sau mấy mươi năm, cái giấc mơ bay ra đại dương vẫn chưa thành và chúng ta vẫn còn loanh quanh ao làng Đông Nam Á, ngoài chức vô địch AFF Cup năm 2008, còn lại Việt Nam chỉ là “chuyên gia về nhì” của khu vực. Trong đó, chiếc HCV SEA Games mãi còn ám ảnh lớp lớp thế hệ cầu thủ và bao đời cấp lãnh đạo bóng đá Việt Nam.

Nhưng buồn ở chỗ không phải chúng ta không có tài năng đến nỗi cứ lận đận ngoài tốp 100 thế giới và chưa bao giờ khẳng định cái uy tuyệt đối trong khu vực. Chúng ta từng có lứa danh thủ như Hồng Sơn, Công Minh …đầy tài năng cũng như đức độ. Trong đó tiền vệ Hồng Sơn từng được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất Châu Á trong tháng. Đó là sự khẳng định chúng ta không thiếu tài năng, con người Việt Nam có thể làm được những điều to lớn hơn tầm vóc nhỏ bé của mình. Sau đó chúng ta cũng từng có những Như Thuật, Văn Quyến…đứng hạng 4 Châu Á ở giải trẻ. Và những con người đó khi lớn lên, Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh…từng khiến Đông Nam Á phải trầm trồ. Nhưng rồi chính những con người ấy đã đưa bóng đá Việt Nam vào khoảng tối, như một vết thương ăn sâu trong da thịt, dù trải qua bao nhiêu cái mười năm cũng chẳng thể xoá nhoà.

Bóng đá Việt Nam lên chuyên hơn 10 năm. Trong hơn thập kỷ đó chúng ta có điều kiện học hỏi nhiều nền bóng đá tiên tiến trên thế giới và từng có thời điểm, V-League là giải đấu hàng đầu Đông Nam Á khi thu hút nhiều ngoại binh chất lượng từ Thái và nhiều quốc gia khác. Đừng quên rằng Lee Nguyễn từng chơi bóng ở đây và có cả nhà vô địch thế giới đến đây thử việc. Sức hút của Việt Nam, của V-League không hề nhỏ. Nhưng đáng tiếc rằng, trong công cuộc giao thoa và học hỏi cách làm bóng đá của các cường quốc khác, chúng ta không học được cái tâm cái tính, cái ý chí và cách làm chuyên nghiệp của họ mà chỉ nhắm một hướng là 3 năm vượt Thái, 5 năm ra khỏi Châu Á và 20 năm để sánh vai cùng Châu Âu. Lộ trình đã có, hướng đi cũng có nhưng tiếc rằng không ai trong chúng ta đủ kiên nhẫn trong sự nghiệp trồng người 20 năm thậm chí là lâu hơn đó. Những nhà lãnh đạo thì muốn có thành tích ngay trong nhiệm kỳ của mình, người hâm mộ chỉ cần thấy thắng Thái Lan đã mãn nguyện và sướng mắt, các doanh nghiệp sẵn sàng bỏ núi tiền cho một năm V-League để rồi xuống hạng, cho oai một năm rồi năm sau sẽ tính tiếp, mà chuyện tính tiếp thường chỉ là …bỏ giải.

Cũng là cái tên Lee Nguyễn đó nhưng chẳng có chỗ đứng tại Việt Nam vậy mà giờ đây đang khoác áo tuyển Mỹ và được tung hô tại xứ sở cờ hoa. Cũng là một trong những đội ở Đông Nam Á, cũng nhỏ người thấp dáng, không được chăm chút như ngôi sao nhưng Myanmar vẫn được chơi giải U20 thế giới, trong khi Việt Nam vẫn cứ đứng từ xa mà thèm thuồng và bực bội sau đó tự sướng rằng đó chẳng qua là đội từng bị chúng ta đánh cho tan tác. Đất nước chúng ta đông dân, người Việt chúng ta có sự say mê mãnh liệt và chúng ta cũng đủ trí lực trong việc tiếp thu cái mới nhưng tại sao chúng ta vẫn là những kẻ về sau?

Có lẽ đến khi nào mỗi người chúng ta, từ CĐV đến cầu thủ, nhà lãnh đạo…biết trách mình trước và hiểu trách nhiệm của mình hơn thì khi ấy câu hỏi trên sẽ được trả lời rành mạch nhất.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.