Sau thất bại, VFF đang ở đâu?

 Sau thất bại trước Malaysia, VFF ngay lập tức xuất hiện nơi tâm bão. Nhưng không phải để nhìn nhận những yếu kém cần giải quyết, mà để hùa theo đám đông nghi ngờ sự trung thực của đội tuyển. Phản ứng nhanh nhạy này không hẳn là sai, nhưng nó lột tả rõ nét phong cách kinh niên của Liên đoàn bóng đá Việt Nam: “Nói không với trách nhiệm”.


Sức ép ngàn cân trút lên vai cầu thủ

Làm nghề này là phải chịu sức ép tốt, không thì khó sống. Người chơi bóng trên sân đều có một cái tôi, một tâm hồn, biết đau biết buồn như bao người, chắc chắn rất rất nhiều người vẫn sẽ cảm thông cho các anh. Nhưng làm sao bắt được hàng chục nghìn khán giả đến sân hay hàng triệu người ngồi trước màn hình đều bình tĩnh khi chúng ta thua cay đắng như vậy. Mỗi cổ động viên cũng đều có một tình yêu, một niềm tin, có những người đã bỏ công sức, đã ăn chực nằm chờ, trải bao khó nhọc, hết lòng hết dạ để cổ vũ đội bóng. Họ không đáng phải nhận lấy nỗi đau này, họ có quyền phẫn nộ và tuyệt vọng.

Tuy nhiên, những lời gây tổn thương nhất là những lời nói ra khi nóng giận. Đứng ở góc độ của cầu thủ mới thấy họ cũng chẳng sung sướng gì. Giữ bình tĩnh ở thời điểm quan trọng trước một vài người đã khó, trước hơn 4 vạn người chắc hẳn còn khó hơn gấp bội. Tâm lý của người mắc sai lầm là ân hận và khó lấy lại ngay sự chính xác trong hành động, nhất là trong một cuộc chơi cứ cuốn đi phăng phăng, đòi hỏi tập trung từng giây phút. Nhìn rộng hơn, mỗi tuyển thủ ở hàng phòng ngự cũng chỉ mắc nhiều nhất 1 sai lầm nghiêm trọng, nhưng tổng cộng lại nó thành nhiều. Trường hợp của Văn Biển, anh chưa bao giờ là một hậu vệ xuất sắc của bóng đá Việt Nam chứ chưa nói đến tầm Đông Nam Á, còn Nguyên Mạnh thì ra vào bất hợp lý trong hầu hết các bàn thua. Chúng ta không hẳn thiếu quyết tâm, thiếu cố gắng, mà chúng ta đơn giản thiếu một thứ ai cũng biết: Thiếu về chuyên môn.

Chuyên môn ở đây bao gồm cả kỹ năng và tâm lý, mà chỉ riêng điều thứ hai đã đủ để những đội tuyển hàng đầu thế giới như Brazil hay Tây Ban Nha vỡ trận như thường. Đúng như HLV Lê Thụy Hải nhận xét, chỉ Thái Lan có đẳng cấp ổn định thực sự, tuyển Việt Nam đá hay chủ yếu ở tinh thần và ở sự tinh ý trong chiến thuật của người huấn luyện. Sự cứng cáp, lạnh lùng trăm trận như một không tồn tại, kỹ thuật cơ bản cũng tốt dở thất thường. Họ cũng chỉ biết làm hết sức mình, mà đâu biết sau lưng, người ta vẽ ra nào những Di Maria, Alaba, Busquest, trong cơn hưng phấn đẩy đội tuyển vượt quá cái tầm của chính họ. Hãy nhìn lại đi, chúng ta có bao nhiêu ngôi sao hàng đầu Đông Nam Á trong đội hình? Chính những khán giả dõi theo V League xem họ chơi bóng thường xuyên có nghĩ họ sẽ thắng được Philippines và Malaysia? Niềm tin hẳn là không đủ. Chỉ đến lúc thắng rồi, dư luận mới thi nhau “nổ pháo”.

Với một hiệp đấu tồi tệ, tất cả công lao, cảm xúc tốt đẹp đội tuyển mang lại những trận trước bị phủi sạch. Mặc dù đã lấy lại sự tỉnh táo để điên cuồng gỡ gạc ở hiệp hai, họ vẫn phải kết thúc trong nước mắt. Một người bình thường khi phạm những sai lầm lớn, chịu thất bại lớn, lại bị hàng triệu người vùi dập, chắc dễ muốn bỏ nghề. Cầu thủ đã làm không tốt, họ đáng bị chê, nhưng đen cho họ, cái nghề có thể gãy chân bất cứ lúc nào này có một đặc điểm, đó là phải làm bia cho mọi người trút tất cả hằn học, nghi ngờ, xúc phạm đúng vào lúc cần được động viên nhất. Phải chịu thôi, sẽ dễ dàng hơn nếu họ đi làm văn phòng, chỉ lo sếp giận, và tối về thì làm chai bia, gác chân xem bóng đá.

Khi “người nhà” cũng ghẻ lạnh

VFF luôn có tên và có mặt trong những thời khắc, những bức ảnh ghi dấu vinh quang. Ông Chủ tịch có thể phát biểu khai mạc đầy hứng khởi trong một giải giao hữu có U19, có thể tay bắt mặt mừng chúc mừng sinh nhật Công Vinh, rồi chỉ 24 giờ sau kiên quyết đòi điều tra bán độ. Nếu có dấu hiệu đáng ngờ thì cũng nên điều tra, nhưng thẳng thừng điều đó khi nỗi buồn thua trận còn chưa nguôi ngoai thì chẳng khác gì một cái tát khác vào mặt cầu thủ, sau cái tát đến từ người Malay. Cái sung sướng của ông Lê Hùng Dũng với U19 giống cái sung sướng của người bắt được tài sản quý không phải do mình làm ra, còn cách phản ứng gay gắt sau thất bại của tuyển Việt Nam giống như giũ phủi một cái gì kinh khủng, sợ nó sẽ làm xấu hình ảnh của VFF, vốn đã chẳng mấy tốt lành.

Cầu thủ cuối trận thở không ra hơi, miệt mài tìm bàn gỡ, nhưng họ cũng chỉ là những đứa “con tạm”, chỉ có giá trị với “phụ huynh” khi đem về chiến thắng cụ thể, đem về cơ hội nở mày nở mặt. “Phụ huynh” sẵn sàng đổ mọi tội lỗi, từ mặt “đứa con” khi nó không làm được như mong muốn, không cần biết nó đã được hưởng một “nền giáo dục” như thế nào từ phía “gia đình”. Tất cả các vấn đề như kỹ thuật chơi bóng, tư duy chiến thuật, yếu tố bản lĩnh, tư tưởng cần thời gian trui rèn ở những lò đào tạo bài bản, hiện đại, và trong những giải đấu chuyên nghiệp, lành mạnh, văn minh. VFF chưa bao giờ tạo ra hay thậm chí cố gắng tạo ra những thứ ấy.

Quãng đường dài hơn một thập kỷ qua, bóng đá Việt Nam không hề tiến lên, chỉ dậm chân tại chỗ hoặc thụt lùi, những điểm sáng đến từ những thế hệ cầu thủ “chẳng may” xuất chúng nổi lên thời gian ngắn, hoặc nhờ những HLV ngoại mát tay, còn về mặt bằng của nền bóng đá, chẳng có chút khả quan nào cả. V League thì càng tổ chức càng phát sinh tiêu cực, các tuyến trẻ thì không tài nào sản xuất được những nhân tài vượt trội so với đàn anh, U19 gần đây là công lao của một mình bầu Đức. VFF đã ở đâu, đã làm gì trong suốt quãng thời gian dài đó? Vì sao các cầu thủ - sản phẩm của nền bóng đá luôn phải đóng vai “kẻ phạm tội”, còn những người đứng đầu hoặc điều khiển “dây truyền sản xuất” thì miễn nhiễm, vô can?

Nghề cầu thủ ở Việt Nam có cái sướng mà cũng có cái bạc. Bóng đá là một lĩnh vực bao gồm nhiều khâu, vậy mà khi họ thắng, vinh quang được chia đều, được san sẻ, còn khi họ thua, họ ôm hết tội tình. Không phải chê bai, mà là miệt thị, không phải trách cứ, mà là vùi dập. Cái thứ cảm giác khủng khiếp đó treo lơ lửng mỗi khi bước chân qua cánh cửa tuyển quốc gia, sẵn sàng rớt xuống đầu bất cứ cầu thủ nào. VFF thì khác, họ làm việc trên bàn chứ không phải dưới sân, cầu thủ chạy yếu, sút trượt, thua đau là chuyện của cầu thủ, chẳng liên quan gì đến VFF cả. Đó không phải một tư tưởng đúng, nhưng nó là điều đang diễn ra.

Ai đó đã bình luận: “Nếu trách nhiệm là một quả bóng thì Việt nam đã vô địch World Cup rồi”. Có lẽ thế thật, vì hiếm ở đâu người ta khống chế, điều tiết, chuyền phát quả bóng trách nhiệm thuần thục, khéo léo, tinh tế như ở Việt Nam. Chắc hẳn lúc này, đội tuyển quốc gia không còn là “chỗ sáng”, tất cả tâm huyết của VFF sẽ lại dồn vào SEA Games năm sau, sẽ lại quay về với U19 – đội bóng đang được các cổ động viên ưa chuộng. Ở đó, VFF có thể sẽ lại tìm thấy nhiều ánh sáng của thành công.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.